Với sự hỗ trợ của blockchain, nhiều thỏa thuận có thể thực hiện tự động bằng smart contract. Vậy smart contract là gì? Nó hoạt động như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết này.
I. Smart contract là gì?
1. Lịch sử hình thành
Smart contract (Hợp đồng thông minh) xuất hiện trước cả công nghệ blockchain. Nó lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1994 bởi Nick Szabo – một nhà khoa học máy tính người Mỹ. Ở thời điểm này, hợp đồng thông minh nhận được rất ít sự quan tâm bởi chưa có một nền tảng kỹ thuật số hay một công nghệ sổ cái phân tán nào có thể hỗ trợ nó.
2. Định nghĩa
Nick Szabo định nghĩa hợp đồng thông minh là các giao thức giao dịch được máy tính hóa có khả năng thực hiện các điều khoản của hợp đồng. Máy bán hàng tự động có thể được coi là ví dụ lâu đời nhất về một loại hợp đồng thông minh.
3. Hợp đồng thông minh blockchain
Hợp đồng thông minh là các chương trình trên một blockchain, nó chạy khi đáp ứng các điều kiện xác định trước. Các điều khoản và điều kiện này được lưu trong blockchain dưới dạng mã lập trình.
Tìm hiểu thêm về blockchain tại đây.
II. Ưu điểm và Nhược điểm
1. Ưu điểm
- An toàn: Hợp đồng thông minh sử dụng mã hóa dữ liệu và chống giả mạo, điều này làm cho nó trở thành một giải pháp an toàn cao.
- Tốc độ: Việc tự động hóa các tác vụ bằng cách sử dụng các giao thức máy tính giúp tiết kiệm thời gian đáng kể so với các hợp đồng được thực hiện thủ công.
- Tiết kiệm: Hợp đồng thông minh giúp tiết kiệm hơn do loại bỏ chi phí cho người môi giới hoặc trung gian.
- Độ chính xác: Sử dụng hợp đồng thông minh giúp loại bỏ các lỗi xảy ra.
2. Nhược điểm
- Khó thay đổi: Việc thay đổi quy trình hợp đồng thông minh gần như là không thể.
- Thiếu quy định: Lĩnh vực pháp lý quốc tế chưa có các khái niệm về “blockchain”, “hợp đồng thông minh” và “tiền điện tử”.
III. Cách thức hoạt động
Các hợp đồng thông minh tuân theo các câu lệnh “when… then…” được viết trong mã của blockchain. Hay nói cách khác, nó hoạt động dựa trên các điều khoản và điều kiện được viết bằng các dòng mã trên blockchain.
Các điều khoản của hợp đồng có thể được thiết lập khi những người tham gia đã đồng ý về cách các giao dịch và dữ liệu sẽ được thể hiện trên blockchain. Sau đó, tất cả các điều kiện sẽ được chuyển thành mã lập trình, hiển thị các bước của giao dịch đó.
Các mã này sẽ được lưu trữ trong blockchain và thông tin sẽ được phân phối đến các nút máy tính mạng, đảm bảo rằng người dùng có thể theo dõi tiến trình của mỗi giao dịch.
Blockchain được cập nhật khi giao dịch hoàn tất. Do đó, giao dịch này không thể sửa đổi và chỉ các bên liên quan mới có thể xem kết quả.
IV. Ứng dụng của hợp đồng thông minh
1. Tài chính phi tập trung (DeFi)
Tiền điện tử và hợp đồng thông minh cho phép các nền tảng tài chính phi tập trung cung cấp các dịch vụ tài chính: cho vay, đi vay, các giao dịch phái sinh,… mà không cần người trung gian.
2. NFT (Non-fungible token – Tài sản không thể thay thế)
Các hợp đồng thông minh cho phép tạo ra các NFT bằng cách phân bổ quyền sở hữu và quản lý khả năng chuyển nhượng của các NFT.
3. Chuỗi cung ứng
Với hợp đồng thông minh, mọi người trong chuỗi cung ứng có thể theo dõi vị trí của mặt hàng. Nếu có một mục bị mất, các hợp đồng thông minh có thể phát hiện vị trí của nó. Ngoài ra, hợp đồng thông minh cũng có thể tự động hóa các thanh toán và nhiệm vụ thông thường.
4. Chăm sóc sức khỏe
Blockchain có thể lưu trữ hồ sơ sức khỏe được mã hóa của bệnh nhân bằng khóa riêng, chỉ những cá nhân cụ thể mới được cấp quyền truy cập vào hồ sơ để đảm bảo quyền riêng tư của mỗi bệnh nhân.
Hợp đồng thông minh còn được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác như Ngân hàng, Bảo hiểm, Địa ốc,… Không thể phủ nhận tính hữu ích của nó vì đã giúp đời sống con người thuận tiện hơn.
Bài viết trên đây là những thông tin về Smart contract blockchain. Ngoài những ưu điểm và nhược điểm được kể trên, nó vẫn tiếp tục được phát triển và cải tiến nhiều tính năng hơn. Các hợp đồng thông minh hoàn toàn có cơ hội trở thành một sự thay thế tuyệt vời cho các hợp đồng tiêu chuẩn.